Tiết kiệm tín dụng thôn bản tự quản (VSLA)

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2017 (Findex), chỉ 30% nam giới và 31% nữ giới trưởng thành ở Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, một trong những tỷ lệ thấp ở Đông Á. Nhiều người dân, trong đó có phụ nữ dân tộc thiếu số ở khu vực nông thôn chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Được CARE khởi xướng từ năm 1991 tại Nigeria và triển khai tại Việt nam từ năm 2010, đến nay, mô hình Tiết kiệm tín dụng thôn bản tự quản (VSLA) đã được áp dụng ở hơn 20 tỉnh/thành. Mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc ba Tự: Tự nguyện tham gia, Tự quản lý và Tự chịu trách nhiệm. Mô hình thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các thành viên. Khi tham gia các hoạt động, phụ nữ được tăng cường tính tự chủ, tự tin và học được cách thực hành tiết kiệm và quản lý kinh tế hộ gia đình cũng như tăng cường kỹ năng sinh hoạt, lãnh đạo và quản lý nhóm và các kỹ năng xã hội khác.

Bứt phá Giai đoạn II: Thúc đẩy Tài chính
Toàn diện vì Phụ nữ Dân tộc Thiểu số

Từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2019, CARE đã hợp tác với Procter & Gamble (P&G) để triển khai dự án “Bứt phá: Thúc đẩy Tài chính Toàn diện vì Phụ nữ Dân tộc Thiểu số” ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn). Thông qua hợp tác với P&G, CARE đã thành lập được 260 Mô hình Cổ phần tài chính tự quản, trực tiếp giúp 5.196 phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay và giúp họ độc lập hơn về kinh tế. Nhiều thành viên của nhóm VSLA cho biết, họ có thể tiết kiệm tiền nhiều hơn và đầu tư tốt hơn vào giáo dục cho con cái, sinh kế hộ gia đình và các hoạt động tạo ra thu nhập.

Kết thúc giai đoạn I của dự án, mô hình VSLA được chứng minh rất thích hợp cho các tổ nhóm phụ nữ, giúp họ không chỉ tiếp cận với giáo dục tài chính, quản lý chi tiêu mà còn giúp họ tự tin cho người phụ nữ, khuyến khích đối thoại và chia sẻ trong việc đưa ra quyết định giữa nam và nữ khi đưa ra các quyết định trong gia đình. Mô hình đã được đón nhận tại tất cả các địa phương triển khai dự án.

Dựa trên những kết quả đó, CARE hợp tác cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm nhân rộng mô hình VSLA trên toàn quốc thông qua các hoạt động chuyển giao kiến thức và áp dụng công nghệ trong giai đoạn II của dự án. Dự án Bứt phá Giai đoạn II do P&G và Quỹ Peierls tài trợ.

Trong pha thứ hai của dự án với tên gọi “Bứt phá: Thúc đẩy Tài chính Toàn diện vì Phụ nữ Dân tộc Thiểu số”, giai đoạn từ tháng 12/2020 tới hết tháng 12/2021 đã thành lập được 287 nhóm Tiết kiệm tín dụng thôn bản (VSLA) với 4.185 thành viên phụ nữ tham gia; huy động 9,35 tỉ đồng tiết kiệm và cho 2.427 lượt thành viên được vay vốn để phát triển sinh kế. Trong nửa đầu năm 2022, 269 nhóm với 4.058 thành viên phụ nữ tham gia hoạt động đã huy động được 5,62 tỉ đồng tiết kiệm và 1.416 lượt thành viên được vay vốn để phát triển sinh kế.

Những Câu chuyện từ Mọi miền Đất nước

Bắc Giang

Từ khoản vay phục hồi kinh tế sau đại dịch đến xưởng sản xuất lâm sản của chị Nguyệt

 

Tháng 11/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Sơn, huyện Yên Thế triển khai mô hình nhóm tiết kiệm và cho vay thôn bản (VSLA) tại thôn Cầu Gụ. Được nghe giới thiệu mô hình, chị Lê Thị Nguyệt nhận thấy nhóm tiết kiệm và cho vay rất thích hợp với chị em nơi đây, tạo cho chị em có thói quen tiết kiệm, đồng thời giúp chị em có nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi hoặc tiêu dùng ngay từ chính nội lực của các thành viên, đồng thời có công cụ theo dõi công khai, minh bạch, giúp các thành viên yên tâm gửi tiết kiệm.

Chị Nguyệt đã đăng ký tổ chức hoạt động, vận động các chị em khác tham gia thành lập nhóm Tấm Cám với 11 thành viên và chị Nguyệt được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Nhóm của chị hoạt động rất hiệu quả, tổng số tiền tiết kiệm mỗi tháng được 15-20 triệu đồng cho 1-2 thành viên vay. Cá nhân chị khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kinh tế gia đình khó khăn, chị đã được chị em trong nhóm động viên và xét cho vay 10 triệu đồng.

Với thế mạnh của địa phương về lâm sản, chị bàn bạc cùng gia đình và quyết định dùng số vốn 10 triệu mua máy và dụng cụ để làm thơi phơi gốm bán cho doanh nghiệp sản xuất gốm tại Bắc Ninh. Với bản tính cần cù, chịu khó hàng tháng hai vợ chồng chị sản xuất được từ 700-800 chiếc thơi cho thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Nhu cầu sử dụng thơi càng ngày càng lớn, chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và thuê thêm công nhân làm, đồng thời chị liên kết với xưởng gia công sơ chế cán chổi xuất khẩu nhận cốt từ các xưởng bóc gỗ về tuốt lại bán cho các công ty chế biến.

Nhờ nguồn vốn từ nhóm VSLA và sự năng động chuyển đổi công việc, hiện nay chị đã thành lập được xưởng sản xuất chế biến lâm sản tổng hợp có sản lượng từ 3-5 nghìn thơi phơi ván và 5-7 nghìn cán chổi cho thu nhập bình quân từ 15-17 triệu đồng/tháng. Qua hơn nửa năm làm xưởng, kinh tế gia đình chị Nguyệt ổn định dần, hai con vẫn được duy trì học tập bình thường và các cháu đang chuẩn bị tốt nghiệp.

Cao Bằng

Tự tin hơn để phát triển bản thân và giúp đỡ các thành viên trong nhóm

 

Sau khi được Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy Tài chính Toàn diện vì Phụ nữ Dân tộc Thiểu số” và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) giới thiệu về hình thức hoạt động của nhóm Tiết kiệm Tín dụng Thôn bản tự quản – VSLA, chị Lý Thị Niêm, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh nhận thấy đây là hoạt động phù hợp và cần thiết cho chị em, giúp tạo thói quen tiết kiệm trong gia đình cũng như có sẵn nguồn vốn nhỏ để phát triển sinh kế hoặc chi tiêu khi cần thiết. Chính vì vậy, chị đã đề xuất đăng ký tham gia “Nhóm tiết kiệm cho vay tại thôn, bản – VSLA”, và được các thành viên trong nhóm tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng.

Thời gian đầu điều hành sinh hoạt nhóm chị còn bỡ ngỡ, ngại ngùng, chưa tự tin, một phần do một số chị em tham gia sinh hoạt chưa đầy đủ và đúng giờ và thiếu nhiệt tình. Tuy nhiên sau khi được Hội LHPN hướng dẫn một số kỹ năng, phương pháp trong điều hành sinh hoạt nhóm và hỗ trợ về kỹ thuật, chị đã mạnh dạn, tự tin hơn với vai trò điều hành của nhóm trưởng.

Trong quá trình hoạt động, chị cũng đã tìm hiểu và sử dụng thành thạo ứng dụng phần mền TIZO để tiện theo dõi, nắm thông tin về nguồn tiền tiết kiệm của các thành viên và các khoản vay, lãi suất.

Nhờ có hướng dẫn của Hội LHPN, chị đã có thêm kiến thức, kỹ năng, lồng ghép các nội dung của phong trào phụ nữ vào sinh hoạt nhóm để thêm phong phú nội dung. Hiện nay nhóm chị vẫn thường xuyên duy trì sinh hoạt 2 lần/ tháng và tiến hành các bước sinh hoạt theo Quy chế, gồm 20 thành viên tham gia.

Giờ đây chị Niêm đã cảm thấy tự tin hơn. Chị đã biết tiết kiệm thời gian, sắp xếp công việc gia đình khoa học, tham gia nhiệt tình hơn các hoạt động của địa phương, của Chi hội phụ nữ, đặc biệt là tạo được thói quen tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, chăn nuôi; tạo nguồn vốn vay thường xuyên để phát triển kinh tế gia đình.

Gia Lai

Cán bộ trẻ tích cực thúc đẩy ứng dụng số trong nhóm VSLA tại xã Ia Boòng

 

Không chỉ là một cán bộ Hội trẻ có năng lực mà chị Mai Thị Mỹ Duyên còn là một người nhiệt huyết trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN).

Sinh năm 1993, chị Duyên tham gia công tác Hội từ năm 2020, và là Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Boòng, huyện Chư Prông từ tháng 4/2020. Tháng 11/2020, khi dự án “Bứt phá: Thúc đẩy Tài chính Toàn diện vì Phụ nữ Dân tộc Thiểu số được triển khai tại tỉnh Gia Lai, chị được chọn là một trong số hạt nhân nòng cốt về mô hình Tài chính tự quản tại thôn bản (VSLA) của tỉnh.

Tiết kiệm và cho vay mặc dù không mới lạ nhưng với cách thức hoạt động của nhóm VSLA và ứng dụng số trong quản lý thì trên địa bàn huyện chưa từng được triển khai. Điều đó khiến chị Duyên không tránh được những lúng túng, băn khoăn ban đầu. Với địa bàn của Ia Boòng, việc tuyên truyền, vận động chị em tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia cũng rất khó khăn vì đa số đều rất nhút nhát, không dám tham gia vì sợ không có khả năng tiết kiệm hàng tháng. Điều kiện tiếp cận với ứng dụng số không thuận lợi từ thiết bị điện thoại đến sóng wifi. 

Với cách làm việc khoa học và có trách nhiệm, chị Duyên thường xuyên trao đổi về những vướng mắc và sau khi được hướng dẫn từ Hội LHPN tỉnh, chị đã triển khai rất nhanh và có hiệu quả hoạt động của Dự án tại địa bàn.

Đến hết quý I/2021, xã Ia Boòng đã thành lập 5/5 nhóm VSLA với 58 thành viên. Hệ thống TIZO của các nhóm chị đã hỗ trợ và trực tiếp cài đặt, cập nhật lần đầu cho các nhóm, dự sinh hoạt các nhóm định kỳ hàng tháng để hỗ trợ, hướng dẫn.

Hà Giang

Trưởng thành hơn khi đảm nhận vai trò trong Ban quản lý nhóm

 

Tháng 1 năm 2021, trong một cuộc họp ở thôn, chị Chương Thị Ơn, xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên được nghe Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cùng cán bộ dự án giới thiệu về hoạt động của nhóm tiết kiệm tự quản (VSLA) từ Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy Tài chính Toàn diện vì Phụ nữ Dân tộc Thiểu số” do Trung ương Hội LHPN phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ triển khai. Chị Ơn rất tò mò, không biết khi tham gia có nhiều lợi ích như giới thiệu không? Có chị em nào tham gia không? Chị em có tiền tiết kiệm hàng tháng hay không?…

Đến tháng 4/2021 chị cũng mạnh dạn đăng ký với Hội LHPN xã để triển khai thành lập nhóm VSLA, và vận động các chị em cùng tham gia vào nhóm. Sau khi thành lập nhóm, chị Ơn được chị em tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm.

Ban đầu, chị em chưa quen thực hiện tiết kiệm, số tiền tiết kiệm tháng đầu tiên được 1.200.000 vnđ. Sau một thời gian khoảng 3, 4 tháng các chị em trong nhóm cũng quen dần, biết tiết kiệm, hoạt động đi vào nền nếp, mọi người thực hiện quy chế rất tốt, thời gian sinh hoạt cũng rất nhanh. Đến cuối năm 2021 tất toán nhóm Ngọc Bình tổng tiền tiết kiệm được 19.200.000 đồng, giúp được 3 chị vay để tiêu dùng, phát triển chăn nuôi, giải quyết vấn đề tài chính trước mắt.

Chị Ơn chia sẻ: “Nhiều năm trước đây Hội phụ nữ xã cũng như Chi bộ thôn thường xuyên vận động chị vào Đảng nhưng chị chưa đồng ý. Sau khi tham gia hoạt động của nhóm VSLA, chị đã tự tin hơn. Đầu năm 2022, chị được chi bộ tín nhiệm giới thiệu vào Đảng nên chị đã đồng ý làm hồ sơ xin kết nạp. Đây là một niềm vui, niềm tự hào lớn lao không chỉ với bản thân chị mà còn với gia đình chị, là một bước tiến mới trong cuộc đời của chị.”

Chị vui khi công việc của bản thân phát triển thuận lợi và còn tạo điều kiện cho chị em trong thôn, xóm có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế; sự chia sẻ giữa các thành viên, hội viên càng thêm đoàn kết, gắn bó, đặc biệt là việc tham gia gửi tiết kiệm đã trở thành thói quen của chị em.

Lâm Đồng

Vượt khó, xây dựng lại từ vốn vay nhóm VSLA

Gia đình chị Phạm Thị Vòng, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, là một trong những hộ gia đình thực hiện mô hình trang trại về nông nghiệp với hệ thống trang trại chăn nuôi heo theo quy trình VietGap số lượng tổng đàn với 20 heo nái, hơn 300 heo thịt, 100 cây sầu riêng ghép, 200 cây chuối laba, chăn nuôi thêm gà, vịt… Hàng năm, các hoạt động đã đem lại cho gia đình nguồn thu nhập khá, được địa phương biểu dương, khen tặng danh hiệu gia đình sản xuất kinh doanh giỏi.

Khi mới tham gia nhóm VSLA, mặc dù công việc gia đình bận rộn nhưng chị Vòng luôn là thành viên tích cực trong nhóm. Chị tham gia đầy đủ các cuộc họp nhóm theo định kỳ hàng tháng, ngoài ra chị còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội LHPN.

Tháng 6 năm 2021 gia đình chị gặp biến cố khi dịch tả heo châu Phi lây lan đã làm cho tổng đàn heo của gia đình chị với hơn 400 con bị tiêu huỷ, trong vòng hơn một tháng toàn bộ số tiền tiết kiệm, tích luỹ của gia đình chị qua nhiều năm đều tiêu tan (thiệt hại hơn 1 tỷ đồng), không thể tái đàn ngay vì dịch bệnh, giá heo hơi xuống thấp cộng thêm khó khăn về vốn để đầu tư.

Trong lúc chị Vòng đang khó khăn chưa biết xoay sở thế nào thì chị đã được chị em phụ nữ trong nhóm VSLA tư vấn, động viên và xét cho chị vay 8.000.000 đồng. Chị tận dụng cơ sở chuồng trại hiện có, mua 5.000 con chim cút giống nuôi lấy trứng, phân chim cút ủ lại để bón cho cây sầu riêng và chuối laba. Qua hơn nửa năm thực hiện, đến nay chị đã có thu nhập từ chim cút phục vụ cho sinh hoạt hàng tháng, giúp ổn định cuộc sống.

Chị Vòng chia sẻ “Cũng nhờ tham gia nhóm mà bản thân tôi được vay nguồn vốn 8.000.000 đồng chuyển đổi mô hình nuôi chim cút, khó khăn của gia đình mới được tháo gỡ, cuộc sống dần ổn định”.

Từ những kết quả đạt được của bản thân và gia đình khi tham gia nhóm tiết kiệm VSLA, chị Vòng đã tích cực tuyên truyền, vận động phát triển thêm 10 thành viên mới góp phần tăng thành viên trong nhóm lên 41 thành viên trong chu kỳ mới năm 2022. Từ việc tăng thành viên, số tiền trong nhóm tiết kiệm cũng tăng lên đã giúp cho nhiều chị em được vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình,  góp phần ổn định cuộc sống.

Lạng Sơn

Mạnh dạn nhân rộng địa bàn triển khai các nhóm VSLA tại huyện Hữu Lũng 

 

Hữu Lũng là huyện miền núi phía Đông Nam của tỉnh Lạng Sơn. Toàn huyện có 23 xã, một thị trấn; tổng số hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ trên 20.000 người; dân số trên 126.000 người với 7 dân tộc. Là một trong hai đơn vị được Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn lựa chọn triển khai mô hình tài chính tự quản (Nhóm VSLA), chị Phạm Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hữu Lũng, đã tích cực xây dựng các nhóm VSLA tại huyện.

Nhận thấy được ý nghĩa của mô hình nhóm VSLA, phù hợp với đặc thù huyện miền núi như Hữu Lũng, chị Thủy đã trao đổi với thành viên của huyện hội để nắm bắt nhu cầu của hội viên tại cơ sở nhằm lựa chọn đơn vị triển khai dự án hiệu quá.

Năm 2021, Hội LHPN huyện Hữu Lũng đã thành lập 10 nhóm VSLA xã Cai Kinh và Yên Sơn. Qua hoạt động, 10 nhóm đã tiết kiệm qua hình thức mua cổ phần được tổng số 186.720.000đ, cho vay 162.000.000đ với mục đích vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, lãi thu được 7.868.000đ và quỹ tương trợ 10.205.000đ.

Từ hiệu quả của các nhóm đã thành lập trước, chị Thủy đã chỉ đạo nhân rộng, phát triển ngoài địa bàn dự án thêm được 5 nhóm VSLA ở xã Thiện Tân, nâng tổng số nhóm của huyện lên 15 nhóm/3 xã. Do có kinh nghiệm qua triển khai thực hiện tại 2 xã trong dự án, nên việc tuyên truyền thành lập các nhóm VSLA ở xã Thiện Tân được đồng bộ, hiệu quả hơn. Các nhóm VSLA xã Thiện Tân tiết kiệm được qua hình thức mua cổ phần được 181.700.000đ, (tương đương số tiền quỹ của 10 nhóm tại 2 xã trong dự án), cho vay 154.400.000đ với mục đích vay sản xuất kinh doanh, quỹ tương trợ đóng được 8.930.000đ.

Để có kết quả trên, chị Thủy đã cùng Ban Chấp hành Hội LHPN huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổ chức tập huấn cho thành viên ban quản lý các nhóm VSLA. Đồng thời trực tiếp chị Thủy dự sinh hoạt với nhóm, hướng dẫn các thành viên sử dụng phần mềm Tizo, tạo thuận lợi trong quản lý, hiệu quả hoạt động nhóm.

Phú Thọ

Vận dụng công nghệ để kết nối thành viên và quản lý nhóm thuận tiện hơn

 

Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, chị Nguyễn Thị Kim Thành đã trực tiếp tham gia, hướng dẫn thành lập các nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn bản (VSLA), vận động, kết nối các chị em hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số – thành viên của các nhóm VSLA đoàn kết, tiết kiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Tham gia thực hiện dự án “Thúc đẩy Tài chính toàn diện vì phụ nữ Dân tộc thiểu số giai đoạn II” trên địa bàn thị trấn, chị Thành cùng với lãnh đạo Hội LHPN huyện, chi hội và các khu dân cư giới thiệu cho chị em về quy trình, nguyên tắc thành lập và hoạt động nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn bản (VSLA) từ cuối năm 2020. Sau 20 ngày triển khai, chị đã thành lập được năm nhóm VSLA với hơn 80 thành viên tại năm khu dân cư.

Để tạo lòng tin cũng như khẳng định những lợi ích khi tham gia nhóm VSLA mang lại, bản thân chị Thành, con dâu của chị cũng đã tham gia vào nhóm, đồng thời các chị chi hội trưởng tại các khu thành lập nhóm cũng tham gia sinh hoạt nhóm và vận động chồng, con trai cùng tham gia và thường xuyên theo dõi, giúp đỡ các thành viên nhóm.

Bên cạnh việc sử dụng ứng dụng hỗ trợ việc vận hành, theo dõi hoạt động của nhóm, chị Thành cũng chủ động sử dụng Zalo như một kênh giao tiếp chính thức của các nhóm. Trong năm 2021, khi đại dịch Covid diễn ra hết sức phức tạp, hoạt động của các nhóm Zalo thực sự hiệu quả, giúp duy trì sinh hoạt nhóm được đều đặn theo định kỳ.

Vượt qua nhiều khó khăn trong sử dụng ứng dụng số, đến nay ban quản lý 5/5 nhóm đều sử dụng thành thạo TIZO và 50% số thành viên cũng sử dụng ứng dụng này. Qua hệ thống TIZO, chị Thành đã theo dõi rất thuận tiện, chính xác các số liệu về thành viên, số lượng cổ phần huy động được, số vốn đã cho các thành viên vay trong từng kỳ họp của các nhóm. Việc tận dụng cả hai kênh Zalo và TIZO đã giúp hoạt động so sánh, cập nhật số liệu cũng như theo dõi và quản lý các nhóm trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Quảng Trị

Nhóm VSLA góp phần thay đổi thói quen quản lý chi tiêu của chị em ở Quảng Trị 

 

Nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ nông thôn, được sự hỗ trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” thông qua thúc đẩy các nhóm tiết kiệm và cho vay thôn, bản (VSLA) tại bốn xã thuộc hai huyện Đakrông và Hướng Hóa. Mô hình hoạt động nhóm VSLA theo hình thức cổ phần tài chính, sau hơn một năm triển khai thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực trong việc thay đổi tư duy tiết kiệm, nâng cao quyền tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ở vùng dân tộc thiểu số miền núi.        

Dự án triển khai thực hiện tại 4 xã Lìa, Thuận (Hướng Hóa), Tà Long, Hướng Hiệp (Đakrông). Tuy Quảng Trị là đơn vị được dự án triển khai tập huấn hướng dẫn về mô hình muộn, nhưng với sự nỗ lực, tích cực của Hội LHPN các cấp, các xã đã kịp thời triển khai các bước hội thảo giới thiệu dự án, các cuộc họp Hội viên Phụ nữ để triển khai mô hình, khẩn trương thành lập các nhóm. Đến nay, đã có 37 nhóm được thành lập (vượt so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu của dự án là 20 nhóm/tỉnh) gồm 611 thành viên tham gia với tổng số tiền tiết kiệm hơn 321,86 triệu đồng/297,5 triệu đồng cho vay.

Các nhóm VSLA hoạt động với công cụ hỗ trợ của phần mềm quản lý, nhờ đó việc công khai các khoản đóng góp cổ phẩn, khoản vay và lãi… được thực hiện dễ dàng, minh bạch hơn. Qua theo dõi, bình quân các nhóm mỗi chị em tiết kiệm được 5 đến 7 triệu đồng, tạo thói quen tiết kiệm trong hội viên. Bên cạnh đó, đây là kênh huy động vốn nhàn rỗi hiệu quả ở thôn, bản thông qua mua cổ phần và các khoản vay thuận tiện cho bà con đầu tư phát triển sinh kế, giáo dục…

Đặc biệt, mô hình này giúp chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng quản lý tài chính, dần thay đổi thói quen quản lý chi tiêu trong gia đình vốn trước đây do các ông chồng quản lý, và quan trọng hơn cả là không bị vướng vào tín dụng đen. Nhiều chị có đám cưới con đã tìm đến nhóm tiết kiệm và cho vay thôn bản vay tiền sau đó trả dần nên rất tự tin về vị thế của phụ nữ trong gia đình.

Sóc Trăng

Thúc đẩy sự phát triển của thành viên qua các buổi sinh hoạt nhóm VSLA

 

Với dự án R2EII và mô hình “Tiết kiệm tín dụng tự quản – VSLA”, chị Phan Thị Bích Liên, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đã tham gia khóa đào tạo tập huấn viên nguồn (TOT) của dự án từ những ngày đầu tiên triển khai tại Sóc Trăng. Qua việc tìm hiểu về mô hình cùng với nhiều năm kinh nghiệm tham gia các hoạt động tài chính, tín dụng từ công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng như các chương trình dự án, chị luôn có góc nhìn thấu đáo và tìm hiểu sâu từng nội dung, qua đó đóng góp các ý kiến tích cực giúp cho dự án triển khai hiệu quả hơn trên địa bàn xã. 

Tại xã Liêu Tú, chị Liên đã hỗ trợ chị em trong ấp Bưng Triết thành lập mới một nhóm sinh hoạt theo mô hình Tiết kiệm Tín dụng Tự quản – VSLA, với 100% thành viên là người dân tộc Khmer, trước đó hầu hết chưa tích cực tham gia hoạt động Hội. Để nhóm này hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên, chị Liên đã tập huấn hướng dẫn các kiến thức và kỹ năng cho ban quản lý nhóm. Chính từ hoạt động sinh hoạt nhóm VSLA, chị em rất phấn khởi và ngày càng nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động của Hội.

“Ban đầu cũng nhiều khó khăn do chị em trong ấp thu nhập cũng chưa cao, mọi người cũng thấy khó có thể tiết kiệm tiền hàng tháng. Ngoài ra, không phải ai cũng có điện thoại thông minh nên việc sử dụng ứng dụng để thực hiện hoạt động quản lý nhóm cũng không dễ dàng”, chị Liên cho biết.

Thông qua quá trình thường xuyên giám sát, hỗ trợ ở các buổi làm việc trực tiếp với các tổ nhóm hoặc cập nhật dữ liệu trên ứng dụng quản trị hoạt động của nhóm, chị Liên đã dần dần vượt qua được những trở ngại ban đầu để hỗ trợ các nhóm hoạt động hiệu quả. Hiện tại bên cạnh nhóm Bưng Triết Quê Tôi, xã Liêu Tú còn bốn nhóm khác với tổng 46 thành viên đang hoạt động tích cực.

Thái Nguyên

Áp dụng công nghệ số để quản lý nhóm từ góc nhìn của người đếm tiền 

 

Xóm Xuân Đào, xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là một xóm nông thôn với thu nhập chính là nông nghiệp. Việc sử dụng, tiếp cận và khai thác công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Một số hội viên phụ nữ chưa biết cách quản lý tài chính gia đình.

Từ khi triển khai thực hiện dự án tại xóm (tháng 12/2020), nhóm tiết kiệm thôn bản (nhóm Xuân Đào) được thành lập với 18 thành viên. Chị Ong Thị Huyền Nhung được phân công làm người đếm tiền và phụ trách việc cập nhật dữ liệu trên phần mềm TIZO. Chị Nhung đã cùng các chị trong ban quản lý nhóm tổ chức họp bàn với các thành viên trong nhóm xây dựng quy chế sinh hoạt, vận động chị em tiết kiệm mua cổ phần với giá trị 200.000 đ/cổ phần. Đến tháng 12/2021 kỳ sinh hoạt cuối năm đã có nguồn vốn tiết kiệm 144.500.000đ. Qua 12 kỳ sinh hoạt nhóm đã cho 18 thành viên vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình.

Các kỳ sinh hoạt nhóm chị đều cập nhật thông tin đảm bảo, chính xác, đầy đủ lên phần mềm, đảm bảo mọi thông tin, dữ liệu các cá nhân  đều có thể cập nhật. Ngoài ra, khi đi sinh hoạt nhóm mội người biết chị thành thạo sử dụng số trên điện thoại đã nhờ hướng dẫn sử dụng các phần mềm cần thiết, như nộp tiền học online cho con, tải ứng dụng học tập… Nhiều chị em 50 – 60 tuổi đã biết cách sử dụng công nghệ số. 

Trong năm 2022, đến kỳ sinh hoạt thứ 5, số vốn tiết kiệm đã có 85.000.000đ, cho 6 người vay. Vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, từ đó kinh tế gia đình của các thành viên dần ổn định.

Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên trong nhóm giao lưu, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế và gắn bó đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, gắn bó tình chị em trong chi hội.

Thừa Thiên Huế

Tiết kiệm không khó – Sự thay đổi khi tham gia nhóm VSLA 

 

Chị Trần Thị Hoa sinh sống tại Pất Đuh, xã Quảng Nhâm, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, một vùng đồng bào dân tộc khó khăn, giáp biên giới Việt – Lào. Gia đình chị thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng bị bệnh nặng không lao động được, một mình chị phải gánh vác công việc gia đình, từ việc đồng áng, làm thuê kiếm tiền đến chăm sóc con cái. Gia đình chị hàng năm đều thuộc diện hộ nghèo của xã.

Lần đầu tham gia gửi tiết kiệm chị chỉ đóng được 1 cổ phần (mệnh giá 50.000đ), dần dần các tháng về sau chị đã biết cách tiết kiệm, đóng được từ 2-3 cổ phần/tháng. Không chỉ tiết kiệm, tại buổi sinh hoạt nhóm, các chị em còn chia sẻ về cuộc sống gia đình, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi để đạt năng suất và hiệu quả.

Đến tháng thứ 5, chị Hoa đã vay từ quỹ tiết kiệm của nhóm để góp tiền mua một cặp lợn giống. Đến nay chị đã bán được một lần, với số tiền là 6.000.000đ, hiện nay chị vẫn tiếp tục mua giống để nuôi tái đàn.

Khi được hỏi về cả nhân khi tham gia hoạt động dự án, chị hứng khởi chia sẻ: “Khi được tham gia vào dự án nhóm tiết kiệm, tôi cảm thấy vui lắm. Bởi vì từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ tiết kiệm được như thế này, được nghe các chị em chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm trong cuộc sống và trong phát triển kinh tế gia đình, được tâm sự, trò chuyện với mọi người làm cho tinh thần thoải mái hơn sau những ngày đi làm vất vả, được vay vốn khi gia đình đang gặp khó khăn”. Chị mong muốn được tiếp tục tham gia về hoạt động tiết kiệm này và nhiều hoạt động khác nữa. Khi hết 1 chu kỳ tham gia nhóm tiết kiệm chị còn dành được 1 khoản tiết kiệm nhỏ cho gia đình.

Chị Hoa hy vọng dự án sẽ tiếp tục thực hiện để nhiều chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng có thể tham gia được, tạo được sức lan tỏa và tình yêu thương gắn kết với nhau giữa những chị em có điều kiện khá hơn với những chị em cũng khó khăn giống như bản thân chị trước đây.

Trà Vinh

Nhóm tiết kiệm và cho vay góp phần cải thiện cuộc sống chị em xã Long Sơn 

 

Nắm bắt được thông tin cơ sở, các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã lựa chọn thành viên và chọn điểm tổ chức thành lập trước 5 nhóm VSLA tại 5 ấp, đồng thời tổ chức tập huấn quy trình thành lập và hoạt động của nhóm cho ban quản lý nhóm nắm, thực hiện và giải đáp các băn khoăn của hội viên trong các buổi triển khai thành lập nhóm tiết kiệm và cho vay.

 

Kết quả hoạt động tiết kiệm và vay vốn từ VSLA năm 2021: Có 57 thành viên tham gia; Tổng số tiền tiết kiệm của 5 nhóm: 101.800.000đ; Tổng số cổ phần của 5 nhóm: 996 cổ phần; Tổng số tiền cho vay: 67.300.000đ (cho 34 thành viên vay); Tổng lãi từ cho vay: 5.360.000đ.

Các thành viên chủ yếu sử dụng vốn vay cho mục đích mua bán nhỏ, mua vật tư nông nghiệp và một số ít vay khẩn cấp. Hàng tháng Hội kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các nhóm tổ chức sinh hoạt, ghi biên bản và sử dụng phần mềm TIZO trong theo dõi, quản lý nhóm tiết kiệm và cho vay, nhìn chung các nhóm sinh hoạt theo đúng quy chế, hướng dẫn đề ra, việc quản lý tiền mặt còn dư sau khi tiết kiệm và cho hội viên vay được quản lý tốt, cho vào két khóa lại và cho các chị trong nhóm phân công giữ chìa khóa.

Năm 2022, 5 nhóm được dự án P4EM hỗ trợ 60.000.000đ để làm quỹ cho vay (12.000.000đ/nhóm). Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội tái khởi động 5 nhóm tiết kiệm và vay vốn từ VSLA với 61 thành viên tham gia; Tổng số tiền tiết kiệm của 5 nhóm: 881 cổ phần với số tiền 96.000.000đ; Tổng quỹ cho vay: 140.600.000đ (cho 52 lượt thành viên vay); Tổng lãi từ cho vay: 4.729.000đ; Tổng quỹ tương trợ: 1.790.000đ; Số dư cuối kỳ cho vay: 15.400.000đ. Vốn vay chủ yếu dành cho các hoạt động sinh kế như mua bán nhỏ, mua vật tư nông nghiệp.

Hội LHPN xã nhận thấy việc thành lập các nhóm, tổ tiết kiệm và cho vay từ nguồn hỗ trợ của Hội LHPN và tổ chức CARE vừa khuyến khích, thúc đẩy hội viên phụ nữ thực hiện tiết kiệm, vừa tạo điều kiện để chị em gắn bó, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, giúp cho cán bộ, hội viên nhận thức rõ hơn chức năng của Hội trong chăm lo quyền lợi thiết thực cho hội viên phụ nữ, chị em tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Tuyên Quang

Thành viên có thêm thu nhập, niềm vui nhân lên qua những khoản vay 

 

100% dân cư trong thôn Hoa Lũng là người dân tộc Cao Lan, thu nhập hộ gia đình trong thôn Hoa Lũng chủ yếu từ nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc tiếp cận thông tin phát triển kinh tế của nhiều gia đình còn hạn chế. Người dân chưa có thói quen gửi tiết kiệm theo tháng. 

Được sự hướng dẫn của Hội LHPN xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tháng 3 năm 2021, Chi hội phụ nữ thôn Hoa Lũng đã triển khai thành lập nhóm tiết kiệm tín dụng thôn bản (nhóm VSLA). Các nhóm VSLA được thành lập tạo cho hội viên phụ nữ có thói quen tiết kiệm, đồng thời giúp chị em có nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi hoặc tiêu dùng mà không cần phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ và mất thời gian chờ đợi như vay vốn ở ngân hàng. 

Chị Trần Thị Quỳnh là người đầu tiên mạnh dạn tham gia nhóm và vận động chị em cùng tham gia. Được chị em tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng, chị đã tổ chức họp bàn, xây dựng và thống nhất quy chế hoạt động của nhóm, vận động chị em mua cổ phần với trị giá 100.000 đồng/cổ phần. Đến tháng 06 năm 2022, dư nợ của nhóm đạt 182.687.000 đồng, xét cho 30 lượt thành viên vay để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh nhỏ. 

Tháng 12/2021 chị Quỳnh cũng vay 5.000.000 đồng của nhóm VSLA, đầu tư mua phụ liệu về làm tóc giả bán cho một xưởng đầu mối ngoài tỉnh. Công việc phát triển thuận lợi, hiện cho thu nhập ổn định 15.000.000 đồng/tháng. Nhận thấy công việc có hướng phát triển tốt, chị đã hướng dẫn 15 hội viên trong thôn cách làm tóc giả. Khi quen với công việc chị cho chị em nhận hàng về nhà làm với mức thu nhập trung bình đạt 4.500.000 đồng/người/tháng.

Chị Quỳnh cho biết thêm “Hoạt động của nhóm VSLA đã tạo cơ hội cho chị tự tin hơn khi lựa chọn và quyết định thực hiện công việc mới. Chị vui khi công việc của bản thân phát triển thuận lợi và còn tạo điều kiện cho chị em trong thôn, xóm có thêm thu nhập ổn định”. 

Sự thông cảm, chia sẻ giữa các thành viên, hội viên càng thêm gắn bó, đoàn kết, đặc biệt là việc tham gia gửi tiết kiệm đã trở thành thói quen của chị em.

Yên Bái

Phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ vốn vay của nhóm VSLA 

 

Tháng 12/2020 dự án “Bứt phá – Giai đoạn II” đã được giới thiệu tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhằm giúp chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn thuận tiện, thủ tục đơn giản thông qua nhóm “nhóm tiết kiệm và cho vay tại thôn/bản – VSLA” chị đã chủ động đăng ký cho xóm và tham gia vào Ban quản lý nhóm. 

Sau một thời gian tham gia nhóm Tiết kiệm và cho vay tại xóm, chị chia sẻ: “Tôi thấy mình tự tin hơn, bản thân có cơ hội được giao lưu, học hỏi, chia sẻ thêm nhiều kiến thức về xã hội, kinh nghiệm để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc… Sinh hoạt trong nhóm, tôi và các thành viên khác chủ động quản lý chi tiêu (hộ gia đình) để có tiền góp tiết kiệm trong nhóm, hợp lý không làm ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình.

Từ nguồn tiền tiết kiệm của bản thân và các thành viên khác trong nhóm, chúng tôi đã hỗ trợ cho thành viên trong nhóm vay phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn, sắm sửa đồ dùng, trang thiết bị gia đình… Hàng tháng thông qua cuộc nhóm với các bước xét duyệt cho vay đơn giản có sự đồng ý của tất cả thành viên.

“Chúng tôi biết và sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ để theo dõi, nắm thông tin về nguồn tiền tiết kiệm, các khoản vay, lãi suất của các thành viên và lịch sinh hoạt tại nhóm”, chị Quỳnh chia sẻ.

Nhóm của chị Quỳnh họp định kỳ vào ngày 10 hàng tháng. “Qua 6 kỳ sinh hoạt nhóm tôi đã tiết kiệm được 3.500.000đ. Tham gia nhóm tiết kiệm này giúp cho người phụ nữ tự tin hơn về khả năng tài chính. Sau khi kết thúc năm đầu, tôi sẽ vận động thêm nhiều chị em tham gia nhóm, để chị em tiếp cận vay vốn thuận tiện, được nói chuyện cùng với nhau nhiều hơn”, chị Quỳnh chia sẻ thêm.