Chị Quàng Thị Kiên – năm nay 29 tuổi, người dân tộc Thái – từng là trưởng nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA) bản Phăng 2, huyện Mường Phăng, tỉnh Điện Biên. Nhắc đến dự án InfoAct mà CARE triển khai tại Điện Biên là không thể nào không nhắc đến chị Kiên.
Khi đoàn làm phim của CARE đến nhà chị Kiên thì đã là giữa trưa. Trong cái nắng oi ả của tháng 6, giữa lúc cả bản Phăng 2 đang tất bật gặt lúa vụ chiêm, chị Kiên vẫn niềm nở tiếp đón chúng tôi. Có lẽ vì từng là trưởng nhóm VSLA, cũng từng đứng trước các chị em trong bản để chia sẻ kinh nghiệm nên khi trả lời phỏng vấn, chị Kiên không hề ngần ngại mà rất tự tin. Qua lời kể của chị, hành trình gian khó nhưng ấp ủ bao kỳ vọng của chị dần được tái hiện lại một cách rất chân thực và giàu cảm xúc.
Hành trình thay đổi
Chị Kiên chia sẻ một chút về lý do tại sao chị quyết định làm theo các khuyến cáo của dự án InfoAct nhé?
Cách làm của dự án rất mới với chị nhưng khi tham gia các buổi tập huấn của dự án, chị thấy các anh chị giáo viên nói rất có lý. Ví dụ như trời rét thì phải che chắn cho cây mạ để cây mạ khỏe. Dù chị chưa quen với cách này nhưng chị cũng thấy rất hợp lý để làm theo.
Chị nghĩ nếu mình cứ làm theo cách cũ thì kinh tế gia đình mình không phát triển được. Xã hội bây giờ ngày càng hiện đại lên mà mình cứ giậm chân tại chỗ thì mình sẽ càng khó khăn, mình sẽ cứ nghèo mãi. Vì thế dù thế nào, chị cũng muốn làm theo dự án thử một lần xem sao.
Mọi người phản ứng thế nào với lựa chọn của chị?
Khi chị chia sẻ là chị muốn thử cách mới của dự án, mọi người xung quanh không ai tin tưởng chị, cả người nhà cũng không. Chồng chị chỉ đồng ý cho chị làm thử một mảnh 600m2 trong diện tích 2000m2 của gia đình vì sợ nếu làm hết cả mảnh vườn mà mất vụ thì sẽ không thu hoạch được gì. Khi chị đi bừa ruộng cũng không ai ra làm cùng. Chồng chị bảo nếu thích thì tự đi mà làm. Lúc ấy chị buồn và lo lắng lắm. Nhưng chị đã quyết tâm rồi nên chị vẫn làm.
Thành tựu đạt được
Chị kể về “cách mới” mà chị áp dụng theo dự án một cách cụ thể nhé?
Năm đó dự báo thời tiết báo là có rét đậm rét hại. Chị quyết định làm mạ trong mảnh vườn của mình, chị gieo trên diện tích nhỏ nên dễ chăm sóc, trời rét thì chị lấy túi ni-lông che lại theo lời khuyên của dự án. Nếu không có túi thì chị lấy mảnh vải hoặc bao tải che lên. Còn bà con thì cứ gieo thẳng lên cánh đồng, trên một diện tích rất rộng nên không che chắn được, mà bà con cũng không nghĩ đến chuyện che chắn. Chị cũng giữ cho mảnh vườn khô ráo để không có ốc bươu vàng và rễ cây mạ mọc tốt, không bị thối.
Những ngày đầu làm theo cách mới này của dự án, chị lo lắm, chị cứ thăm ruộng suốt, có khi một ngày thăm 3-4 lần. Chị so sánh xem cây lúa nhà chị có tốt hơn hay kém hơn so với lúa xung quanh, có sâu bệnh gì không, có cần phun thuốc gì không. Chị ra thăm ruộng nhiều tới nỗi một bác nhà ở gần đó phải hỏi chị: “Sao hôm nào cô cũng ra đây ngồi thế?” ”
Sau bao ngày thấp thỏm làm theo “cách mới” như vậy, kết quả chị nhận được là gì?
Năm ấy, cây lúa của bà con chết rất nhiều, còn cây lúa của chị vẫn khỏe, vì từ cây mạ của chị khi đem đi cấy đã khỏe rồi. Bà con thấy chị làm thành công nên cũng chủ động học hỏi kinh nghiệm. Trước tiên chị chia sẻ trong nhóm VSLA khoảng hơn 30 người, sau đó chị chia sẻ cho chi hội phụ nữ bản Phăng 2 khoảng hơn 40 người nữa. Sau đó, chị mạnh dạn chia sẻ cho cả 4 bản khác nữa. Mọi người làm theo rất nhiều. Chị tự hào lắm em ạ.
Nói tới đây, chị Kiên nở một nụ cười rất phấn khởi: “Chị dẫn mọi người ra ruộng nhà chị, có bác gái xem xong còn nói “Ừ, đúng thật! Thế này mới bõ công ra ruộng chứ!” Chị tự hào lắm em ạ. Mình tuyên truyền nói miệng không thì bà con cũng rất khó tin tưởng, vì cũng chưa biết hiệu quả thế nào, mà bà con lại quen với cách làm cũ rồi. Mình phải làm thật, người ta thấy mình làm tốt thì sẽ làm theo.”
Nụ cười của chị Kiên khi vụ mùa bội thu.
Ảnh: ©Tăng Hồng Quân/CARE
Đôi lời nhắn nhủ với dự án
Rất cảm ơn chị Kiên đã chia sẻ câu chuyện. Để khép lại buổi phỏng vấn này, chị có điều gì muốn nhắn gửi tới dự án không?
Chị rất cảm ơn dự án đã tới với thôn bản, gia đình chị, có như vậy thì kinh tế mới phát triển được. Chị mong rằng kể cả khi dự án kết thúc thì những bản tin này vẫn được tiếp tục, để bà con học theo và phát triển kinh tế. Chị chỉ mong dự án này kéo dài mãi mãi. Đấy là mong muốn lớn nhất của chị.
Cuộc sống trước mắt chị Kiên vẫn còn nhiều thách thức. Người nông dân sống dựa vào cây lúa như chị lúc nào cũng thấp thỏm vì cây lúa khi thì chết rét, lúc thì chết nóng. Nhưng chính bối cảnh đó đã tạo nên một chị Kiên rất nỗ lực vươn lên và dự án InfoAct đã đến đúng lúc để hỗ trợ chị. Câu chuyện của chị Kiên đã trở thành nguồn cảm hứng không chỉ cho bà con Điện Biên mà còn cho chính CARE tiếp tục dự án để ngày càng có nhiều điển hình thay đổi như chị Kiên trong tương lai.
CARE triển khai dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) do Chính phủ Đức tài trợ ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên, đối tác đồng triển khai là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD). Ở Lai Châu, CARE phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dự án đặt mục tiêu tăng cường sinh kế và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số nghèo.