Kinh doanh từ năm 25 tuổi, Lưu Thị Hòa đã và đang vận dụng các kỹ năng số để mở rộng quy mô kinh doanh
Năm 2017, Lưu Thị Hòa thành lập hợp tác xã nông nghiệp của riêng mình ở Hà Giang khi mới bước sang 25 tuổi. Với định hướng phát triển nguồn lực địa phương, đặc biệt là nông nghiệp, hợp tác xã của Hòa tập trung sản xuất các sản phẩm như mật ong bạc hà và rau. Hiện hợp tác xã đã mở rộng với tám thành viên và mười tám nhân viên.
Tham gia Sáng kiến Thắp lửa (CARE Ignite) do Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard tài trợ, Hòa được tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, chế biến sản phẩm, và nhiều kỹ năng khác. Cô cũng được lựa chọn tham gia chương trình hướng dẫn chuyên sâu, đặc biệt về đóng gói sản phẩm mật ong bạc hà.
“Sau khi tham gia tập huấn, tôi cảm thấy được mở mang hơn nhiều, như thể một chương hoàn toàn mới của cuộc đời tôi đã được mở ra”. Nhận thấy tầm quan trọng của việc tập huấn về quản lý tài chính, Hòa chia sẻ: “Chỉ đến khi được tập huấn, tôi mới biết vấn đề nằm ở đâu. Trước đây, tôi chưa tách bạch tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp, cũng không đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp mình. Khóa tập huấn cũng đã giúp tôi tạo thói quen tốt về lập kế hoạch kinh doanh.”
Hiểu rõ rằng tại Việt Nam, phụ nữ thường phải chịu gánh nặng việc nhà và các việc chăm sóc không được trả lương, Sáng kiến Thắp lửa chú trọng vào việc giúp các nữ doanh nhân cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Sự cân bằng đó là vô cùng quan trọng đối với những bà mẹ có con nhỏ như Hòa. “Khi bắt đầu kinh doanh, tôi thấy cô đơn và chán nản, gia đình cũng không ủng hộ. Nhờ hợp phần Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong Sáng kiến Thắp lửa, tôi tìm được cách chữa lành tâm hồn mình.”
Hòa tự hào chia sẻ rằng cô là người dân tộc thiểu số Cờ Lao và rất tâm huyết với cộng đồng của mình. Cô nói: “Tôi muốn nâng cao hình ảnh sản phẩm của chúng tôi để góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Các nguồn lực, tài nguyên địa phương tạo ra rất nhiều giá trị.” Nhiều hoài bão là vậy nhưng Hòa cũng ý thức được rất rõ về những thách thức mà bản thân phải đối mặt. “Là một hợp tác xã (HTX) khởi nghiệp dân tộc thiểu số, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ thông tin và kiến thức mới”. Những câu chuyện Hòa kể cũng cho thấy áp lực từ gia đình và xã hội đòi hỏi cô cần có một công việc “ổn định” và dành nhiều thời gian hơn cho con.
“Sau khi tham gia tập huấn, tôi cảm thấy được mở mang hơn nhiều, như thể một chương hoàn toàn mới của cuộc đời tôi đã được mở ra.”
Về tiếp cận tài chính, Hòa cho biết, vấn đề đầu tiên là thiếu thông tin về các nguồn vốn vay sẵn có. Cô nói: “Các khoản vay yêu cầu nhiều tiêu chí, gồm cả tài sản thế chấp. Là một người trẻ tuổi, không có sự hỗ trợ của gia đình, tôi không có tiềm lực tài chính cá nhân mạnh cũng như không có tài sản thế chấp để vay vốn.” Tại Việt Nam, CARE Ignite hợp tác với VPBank, Ngân hàng TMCP Tiên phong trong phục vụ phân khúc khách hàng nữ, để điều chỉnh các khoản vay hiện có với lãi suất ưu đãi và giảm thiểu yêu cầu về tài sản thế chấp đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Ban đầu, đại dịch COVID-19 tác động vô cùng lớn đến HTX của Hòa, vì 70% sản lượng của HTX được bán đến các điểm tham quan du lịch. Điều đó đã khiến Hòa phải ứng biến nhanh chóng, cô giải thích: “Thay vì chấp nhận con số 70% đó, tôi đã giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến, tận dụng các kênh như Facebook và các nền tảng thương mại điện tử. Tôi cũng tìm cách đưa sản phẩm đến với khách hàng bằng con đường ngắn nhất – thông qua phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng xã hội. Điều này đã giúp tôi đến gần hơn với khách hàng, bán được nhiều sản phẩm hơn, và trở thành tấm gương cho các doanh nghiệp khác học hỏi, để tất cả chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua khó khăn này”.
Cô tiếp lời: “Ngày nay, kỹ năng số có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi vì bây giờ mọi người kết nối trực tuyến, bán hàng trực tuyến, thậm chí họp cũng trực tuyến. Nếu chúng tôi không thay đổi chiến thuật của mình, chúng tôi sẽ không thể theo kịp. Kỹ năng số cũng sẽ giúp hoạt động kinh doanh của chúng tôi phát triển ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và mở rộng ra thị trường nước ngoài”.
Hòa đã chuẩn bị sẵn cho mình định hướng giúp đỡ những người dân địa phương khác thông qua HTX của mình trong tương lai. “Hiện tại, điều tôi mong muốn nhất là tạo ra nhiều sản phẩm từ nguồn lực địa phương, và tạo sinh kế bền vững cho người dân quê tôi, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Với những thành tựu mà chính bản thân cô đã đạt được, Hòa hy vọng mình sẽ là một tấm gương sáng cho những người yếu thế khác. “Thành quả lớn nhất của tôi là giá trị mà tôi đóng góp cho cộng đồng. Tôi rất muốn trở thành tấm gương cho những người dân tộc thiểu số khác để họ mạnh dạn gây dựng công việc kinh doanh từ chính các nguồn lực địa phương”.
Sáng kiến Thắp lửa tập trung vào việc khơi dậy tiềm lực của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Các nữ doanh nhân sẽ được hỗ trợ để tăng cường tiếp cận tài chính, công nghệ, thông tin và mạng lưới doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác giữa ngân hàng, tổ chức phi chính phủ và đối tác hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. Tại Việt Nam, CARE triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến cùng với 3 đối tác, bao gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty TNHH Công nghệ Canal Circle Việt Nam và Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), với sự tài trợ của Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard.
- Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ thế hệ doanh nhân nữ tại Việt Nam
- Các doanh nghiệp nữ chủ và bài toán “sống sót” thời đại dịch COVID-19
- Những nguyên tắc “vàng” trong xây dựng quan hệ đối tác chiến lược : Khi “lợi nhuận” tương tác với “trách nhiệm xã hội”
- Con đường khởi nghiệp của một kỹ sư nông nghiệp tâm huyết với “vẻ đẹp tự nhiên”
- Quấy rối tình dục nơi làm việc: Càng xử lý sớm, càng lợi đủ đường