Cải cách Công việc Chăm sóc

Bài viết gốc đăng trên trang DevPolicy Blog được thực hiện bởi Michelle Carnegie, Annie Liddy-Corlett và Lê Thị Hồng Giang, chuyển ngữ bởi CARE Quốc tế tại Việt Nam.

Có một số yếu tố góp phần khiến tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động thấp, gây trở ngại cho việc nâng quyền kinh tế của họ cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế toàn diện. Một yếu tố quan trọng nhưng thường bị bỏ qua, chính là công việc chăm sóc trẻ em không được trả công mà chủ yếu do phụ nữ thực hiện.

Ở Đông Nam Á và nhiều vùng khác trên thế giới, công việc chăm sóc trẻ em không được trả công của phụ nữ vẫn chưa được coi là ưu tiên về mặt chính sách, dù đã có những bằng chứng cho thấy dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, giá cả hợp lý là rất cần thiết để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động chính thức và phi chính thức. Ngành chăm sóc được định hình bởi những khuôn mẫu giới phụ hệ, những quy định bảo vệ người lao động hạn chế và mức lương rất thấp (nếu có trả lương), cùng sự thiếu hụt những cải cách chính sách hiệu quả để giảm bớt trách nhiệm chăm sóc. Hoạt động nghiên cứu và tư vấn của Quỹ Châu Á (TAF) tại châu Á và Thái Bình Dương đã kiến nghị những đường hướng thay đổi cho các hộ gia đình, chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) để cải cách nền kinh tế chăm sóc.

Dưới đây là một số ví dụ về công việc mà CARE thực hiện trong nền kinh tế chăm sóc và các lĩnh vực liên quan ở Đông Nam Á, cùng với một loạt các tác nhân phát triển khác như UN Women, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Tổ chức Tài chính Quốc tế.

Quỹ Châu Á kêu gọi sự đồng lòng của các bên liên quan, dựa trên nguồn lực và hệ thống sẵn có (như dịch vụ chăm sóc trẻ em do chính phủ tài trợ cho người lao động có thu nhập thấp và ưu đãi thuế), tập trung vào việc thay đổi các khuôn mẫu giới truyền thống, thúc đẩy sự chia sẻ công việc chăm sóc một cách bình đẳng giữa các giới và công nhận việc chăm sóc như một nghề nghiệp. Cải cách nên bao gồm cả hai mặt cung cấp và nhu cầu dịch vụ chăm sóc để đạt được kết quả công bằng cho người chăm sóc, trẻ em và người làm việc chăm sóc.

Có ba cách chính mà Quỹ Châu Á đề xuất các tổ chức xã hội dân sự có thể khuyến khích cải cách và tạo nên sự thay đổi.

Lĩnh vực cải cách đầu tiên là huy động nguồn lực người lao động. Song song với cải cách chính sách, việc các tổ chức XHDS hỗ trợ những công đoàn lao động, tăng cường việc đàm phán tập thể và nâng cao nhận thức của công nhân có thể cải thiện điều kiện làm việc cho người chăm sóc. Các phương pháp này có thể phát triển và nhân rộng từ các mô hình cải cách được thực hiện trong khu vực lao động chính thức để bảo vệ người lao động trong khu vực phi chính thức.

Cải thiện điều kiện làm việc trong lĩnh vực chăm sóc nói riêng là một mối quan tâm tương đối mới và yêu cầu một góc nhìn cụ thể về giới. Điều này có rút ra được dựa trên kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ của các tổ chức XHDS về quyền lợi lao động cho những công nhân may làm việc tại cơ sở gia đình và nhà máy ở khu vực Nam và Đông Nam Á. Ví dụ, CARE Australia có lịch sử dài hơi trong việc hợp tác với các tổ chức quyền lao động và quyền phụ nữ, và các liên minh trong ngành này, tại châu Á để tích hợp các hệ thống và quy trình  có khả năng thúc đẩy tính công bằng và an toàn tại nơi làm việc. Dự án STOP tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã giúp các công đoàn lao động nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục trong nhà máy may mặc và thiết lập hệ thống hỗ trợ, bao gồm các ủy ban nơi làm việc, với nhiệm vụ kêu gọi sự tham gia của cả công nhân và cấp quản lý để ứng phó và ngăn chặn quấy rối tình dục.

Sự kiện Ngày gia đình được hỗ trợ tổ chức bởi Sáng kiến Thắp lửa – CARE IGNITE.

Lĩnh vực cải cách thứ hai là thách thức các khuôn mẫu xã hội. Khuyến khích thay đổi khuôn mẫu và hành vi xã hội thông qua các chiến dịch và chương trình vận động với sự tham gia của nam giới và nam thanh niên chính là chìa khóa giải quyết các cấu trúc không chính thức ẩn sâu đang góp phần vào sự bất bình đẳng trong trách nhiệm chăm sóc.

Các tổ chức XHDS có chuyên môn đáng kể trong việc này. Phương pháp phân tích khuôn mẫu xã hội của CARE cung cấp cơ sở dựa trên bằng chứng cho việc áp dụng thực tế để thực hiện hóa những thay đổi. Trong khuôn khổ chương trình Đầu tư vào Phụ nữ (IW) do DFAT tài trợ, CARE đã phát triển một chiến dịch truyền thông đại chúng ở Việt Nam để thách thức các khuôn mẫu về giới và về chăm sóc, vai trò lãnh đạo của phụ nữ, giá trị của công việc chăm sóc và ai nên thực hiện nó. Chiến dịch Nhà Nhiều Cột đã xây dựng một cộng đồng 50.000 người theo dõi và tiếp cận 8.5 triệu độc giả thế hệ Millennial và Gen Z như một nguồn thông tin chính thống về chủ đề giới. Chiến dịch đóng vai trò quan trọng trong việc khởi tạo những cuộc trò chuyện ý nghĩa ở gia đình và cộng đồng trực tuyến bằng cách sử dụng mạng xã hội và quảng cáo truyền thống. Tương tự, dựa trên một nghiên cứu của CARE đã xác định rằng phụ nữ được kỳ vọng là người chăm sóc chính và nam giới là người kiếm tiền chính, Sáng kiến Thắp lửa (IGNITE) của CARE tại Việt Nam đã khởi động một chiến dịch tiếp thị cộng đồng đại chúng, tiếp cận hơn 74.000 người để tôn vinh những đóng góp kinh tế của phụ nữ ở quy mô gia đình và xã hội.

Nhà trẻ cộng đồng là một hình thức của dịch vụ chăm sóc trẻ chất lượng, dễ tiếp cận và chi phí phù hợp.

Lĩnh vực cải cách thứ ba là xây dựng cơ sở bằng chứng hoạt động hiệu quả. Các tổ chức XHDS có kinh nghiệm trong nghiên cứu và đánh giá để giúp xác định những khoảng trống dữ liệu quan trọng của các dịch vụ mà chính phủ và/hoặc các tổ chức XHDS có thể giải quyết. Các tổ chức XHDS có thể xây dựng từ chuyên môn hiện có để thích nghi, thử nghiệm, mô hình hóa và thực hiện các giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ chất lượng với chi phí phù hợp. Điều này có thể được thực hiện song song với việc vận động chính sách và đầu tư vào các mô hình chăm sóc có thể nhân rộng được.

Trong nhiều báo cáo nghiên cứu, CARE đã cung cấp bằng chứng về việc chính phủ và nhà tuyển dụng cần phải thách thức các khuôn mẫu xã hội tiêu cực và tuyên truyền rằng phụ nữ không chỉ là người chăm sóc mà còn là đầu tàu trong nền kinh tế, tham gia hoạch định chính sách cụ thể theo bối cảnh và có tính nhạy cảm dân tộc, cũng như sử dụng tiếng nói và kiến thức của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đặc biệt, chương trình Đầu tư vào Phụ nữ, phối hợp với CARE Myanmar, mới đây đã phát hành hai báo cáo chỉ ra doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại như thế nào nếu không có dịch vụ chăm sóc trẻ em, và lợi ích của dịch vụ chăm sóc trẻ đa dạng và linh hoạt do bên sử dụng lao động hỗ trợ trong việc thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả hơn.

Dù tình hình bất ổn vẫn diễn ra, CARE Myanmar đã tìm cách đầu tư vào các giải pháp chăm sóc trẻ sáng tạo và có thể nhân rộng để đảm bảo rằng dịch vụ chăm sóc trẻ em dễ tiếp cận, đặc biệt là đối với phụ nữ thu nhập thấp. Chương trình “Tăng cường Giáo dục Sớm” đã thành lập các dịch vụ chăm sóc trẻ em cộng đồng, tổ chức các nhóm cha mẹ để chia sẻ trách nhiệm và công việc chăm sóc, và giúp giáo viên đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của trẻ em. Hình thức can thiệp trực tiếp này, song song với nghiên cứu bổ sung, có thể hỗ trợ việc xây dựng các cơ chế phù hợp và bình đẳng trong và ngoài nơi làm việc để đáp ứng nhu cầu chăm sóc.

Bằng cách tập trung vào việc huy động nguồn lực lao động, thách thức khuôn mẫu xã hội và tăng cơ sở bằng chứng, các tổ chức XHDS có thể giúp thay đổi các định kiến và thái độ xã hội về giá trị của công việc chăm sóc cũng như hỗ trợ nâng quyền kinh tế của phụ nữ.